Ngành Truyền thông Đa phương tiện tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP.HCM (UIT) được xây dựng dựa trên định hướng tích hợp chuyên sâu CNTT vào toàn bộ chuỗi hoạt động truyền thông. Đây là ngành đào tạo mới, được phát triển trên cơ sở khảo sát và phân tích nhu cầu nhân lực thực tế tại Việt Nam, đồng thời tham khảo chương trình đào tạo từ các đại học hàng đầu như University of California, Berkeley (Hoa Kỳ), New York University (Hoa Kỳ), Northwestern University (Hoa Kỳ), University of Texas at Austin (Hoa Kỳ), NanYang Technological University (Singapore), và Yonsei University (Hàn Quốc).
Xu hướng và nhu cầu nhân lực truyền thông tích hợp công nghệ Trong giai đoạn xây dựng chương trình đào tạo, UIT đã thực hiện khảo sát tại 130 doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực truyền thông, công nghệ, quảng cáo và dịch vụ công. Kết quả khảo sát cho thấy:
- 91.4% đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nhân sự truyền thông có khả năng ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là CNTT. - Chỉ 8.6% đơn vị chấp nhận nhân lực truyền thông không có nền tảng công nghệ.
- 77% doanh nghiệp đánh giá nhân sự hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT.
- 97.8% đơn vị xác nhận việc tích hợp công nghệ (AI, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu) giúp tăng hiệu suất truyền thông.
- 80% doanh nghiệp cần nhân sự có khả năng khai phá, phân tích dữ liệu truyền thông; 61% yêu cầu kỹ năng AI.
Những kết quả này là cơ sở để UIT định hướng rõ ràng cho việc thiết kế một chương trình đào tạo truyền thông đa phương tiện tích hợp sâu CNTT, khác biệt với phần lớn các chương trình đào tạo truyền thông nặng tính truyền thống hiện nay.
Chương trình đào tạo truyền thông công nghệ hiện đại
Sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện tại UIT được trang bị:
- Kiến thức nền tảng về truyền thông, truyền thông số, truyền thông tương tác, cùng các kỹ năng chuyên sâu về thiết kế sáng tạo, sản xuất TVC, thiết kế trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa sản phẩm truyền thông.
- Khả năng vận dụng công cụ công nghệ trong truyền thông số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, thiết kế truyền thông đa nền tảng (web, app, game, thực tế ảo...)
- Tư duy dữ liệu và kỹ năng phân tích để đo lường hiệu quả truyền thông, tối ưu chiến dịch và xác định thị trường mục tiêu.
Ba hướng đào tạo chuyên sâu và cơ hội nghề nghiệp
1. AI ứng dụng trong truyền thông đa phương tiện (Applied AI in Multimedia)
- Tập trung vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và công nghệ xử lý ngôn ngữ, hình ảnh trong truyền thông.
- Cơ hội nghề nghiệp:
* Chuyên viên ứng dụng AI trong truyền thông, cá nhân hóa nội dung và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.
* Chuyên viên phát triển thuật toán xử lý ảnh, video, ngôn ngữ tự nhiên phục vụ truyền thông đa nền tảng.
* Chuyên gia xây dựng hệ thống điện toán xã hội, hệ thống lắng nghe mạng xã hội, hệ thống phân tích dư luận và hành vi người dùng.
* Giảng dạy, nghiên cứu tại các viện, trường và phòng thí nghiệm chuyên ngành.
2. Thiết kế đa phương tiện (Multimedia Design)
- Tập trung vào thiết kế sáng tạo ứng dụng công nghệ, truyền thông tương tác và nghệ thuật số.
- Cơ hội nghề nghiệp:
* Chuyên viên thiết kế đồ họa 2D/3D, giao diện UI/UX, mô phỏng VR/AR cho truyền thông, giáo dục, xây dựng.
* Chuyên viên sản xuất TVC, hoạt hình, video truyền thông tương tác.
* Quản lý dự án thiết kế và sản xuất truyền thông đa phương tiện.
* Giảng viên, nhà nghiên cứu về thiết kế truyền thông kỹ thuật số.
3. Công nghệ tiếp thị (Marketing Technology)
- Tập trung vào tích hợp dữ liệu, công nghệ và truyền thông trong lĩnh vực tiếp thị số.
- Cơ hội nghề nghiệp:
* Chuyên viên SEO, SEM, quản lý quảng cáo số, xây dựng nội dung tiếp thị trên nền tảng mạng xã hội.
* Chuyên viên phân tích dữ liệu thị trường, hành vi khách hàng, đo lường hiệu quả thương hiệu.
* Quản trị nội dung, quản lý quan hệ khách hàng (CRM), phát triển hệ thống tiếp thị dựa trên dữ liệu, dự báo kết quả chiến lược marketing thông qua thu thập dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
* Giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực tiếp thị số, truyền thông dữ liệu.
Tầm nhìn đào tạo nhân lực truyền thông thế hệ mới
Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu vào hoạt động truyền thông không chỉ là một xu hướng, mà đang trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành truyền thông toàn cầu. Từ các quốc gia phát triển đến thị trường mới nổi như Việt Nam, việc tích hợp công nghệ vào truyền thông giúp tăng hiệu quả truyền tải thông điệp, cá nhân hóa nội dung, tối ưu chi phí và mở rộng phạm vi tiếp cận. Quá trình chuyển đổi số trong truyền thông không còn là lựa chọn mà là tất yếu.
Chương trình Truyền thông Đa phương tiện tại UIT được phát triển để đón đầu xu thế này. Đây không chỉ là chương trình đào tạo truyền thông hiện đại, mà là nền tảng để hình thành đội ngũ nhân lực truyền thông thế hệ mới – những người không chỉ làm truyền thông, mà còn sử dụng thành thạo công nghệ để thiết kế, phân tích, dự báo và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi hoạt động truyền thông. Họ là lực lượng tiên phong đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Với nền tảng học thuật hiện đại, đội ngũ giảng viên chất lượng và sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, Truyền thông Đa phương tiện tại UIT là lựa chọn lý tưởng cho những thí sinh yêu thích truyền thông, đam mê công nghệ và định hướng trở thành lực lượng dẫn dắt trong kỷ nguyên truyền thông mới.